Chia sẻ
Cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài

Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài:

1. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài

–   Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

–   Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

–   Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

–   Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;

2. Thành phần hồ sơ 

–   Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

–   Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;

–   Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;

–   Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất

–   Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;

–   Hộ chiếu/ CMND/ CCCD (nếu là người Việt Nam) hoặc hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;

–   Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài

–   Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

–   Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Thẩm quyền cấp: Bộ Công Thương thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh và chấm dứt hoạt động của Chi nhánh.

4. Những điều cần lưu ý khi thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài

a) Đặt tên như thế nào?

–   Tên Chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt. Các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

–   Tên Chi nhánh phải mang tên thương nhân nước ngoài kèm theo cụm từ “Chi nhánh”.

b) Chức năng của Chi nhánh?

–   Trường hợp Chi nhánh hoạt động trong các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì Chi nhánh chỉ được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.

–   Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.

–   Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

–   Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật thương mại.

–   Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mãi thực hiện việc khuyến mãi cho mình.

c) Chế độ báo cáo hoạt động sau khi thành lập?

–   Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Chi nhánh có trách nhiệm gửi báo cáo theo mẫu của Bộ Công Thương trong năm trước đó qua đường bưu điện tới Cơ quan cấp Giấy phép.

–   Việc không thực hiện báo cáo định kỳ sẽ bị xử phạt hành chính số tiền 20 triệu đến 30 triệu đồng (khoản 2 Điều 69 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

d) Các công việc cơ bản cần thực hiện sau khi được cấp giấy phép thành lập Chi nhánh nước ngoài:

Khắc dấu Chi nhánh:

–   Hồ sơ: đơn đề nghị khắc con dấu; giấy phép thành lập Chi nhánh; CMND của người đứng đầu Chi nhánh.

–   Thời gian: 05 – 07 ngày làm việc.

–   Thẩm quyền giải quyết:  Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội  – Công an cấp tỉnh.

Đề nghị cấp MST cho Chi nhánh nước ngoài:

–   Hồ sơ: đơn đề nghị cấp MST; giấy phép thành lập Chi nhánh; CMND của người đứng đầu Chi nhánh.

–   Thời gian: 05 – 07 ngày làm việc.

–   Thẩm quyền giải quyết: Cục thuế cấp tỉnh.

Khắc và treo bảng hiệu tại trụ sở Chi nhánh. Đăng ký chữ ký số, hóa đơn,….

Lưu ý: Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:

–      Người đứng đầu VPĐD của một thương nhân nước ngoài khác;

–      Người đứng đầu VPĐD của cùng một thương nhân nước ngoài;

–      Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

Xem thêm: Gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh / Điều chỉnh Giấy phép thành lập VPĐD, Chi nhánh nước ngoài

© 2021 Bản quyền thuộc về NTVGroup.vn

    

0902-841-886