Khi làm thủ tục hưởng chế độ thai sản, lao động cần chuẩn bị những giấy tờ gì và nộp hồ sơ như thế nào? Thai sản là một trong những chế độ BHXH mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được các quy định để nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản nhanh nhất. Cùng NTV tham khảo bài viết “Hướng dẫn thủ tục hưởng thai sản” sau
Nội dung chính
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ thai sản thì người lao động phải đáp ứng cùng lúc 02 điều kiện về đối tượng thụ hưởng và thời gian tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định:
a) Điều kiện về đối tượng hưởng chế độ thai sản:
- “Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
b) Điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng thai sản:
- Người lao động quy định tại các điểm b, c và d phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Căn cứ dựa trên Điều 31 Luật BHXH năm 2014.
Nhìn chung, để có thể làm thủ tục hưởng chế độ thai sản thì người lao động cần thỏa mãn các điều kiện nêu trên.
2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà các giấy tờ hưởng thai sản sẽ khác nhau:
a) Hồ sơ của người lao động hưởng chế độ thai sản
Trường hợp khám thai, sẩy thai, thực hiện các thủ thuật bỏ thai hoặc biện pháp tránh thai:
- Điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện, giấy chuyển viện hoặc chuyển tuyến (nếu có).
- Điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định nghỉ ngơi dưỡng sức sau thời gian điều trị nội trú.
Trường hợp sinh con:
- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản sinh thường: Bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh.
- Trường hợp con chết sau sinh: Bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh, bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử của con.
- Trường hợp mẹ chết sau sinh: Bổ sung bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ.
- Nếu sau sinh hoặc sau khi nhận con, mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc con thì bổ sung biên bản giám định y khoa.
- Trường hợp người mẹ phải nghỉ việc dưỡng thai: Bản sao giấy ra viện, hồ sơ bệnh án nếu điều trị nội trú, cung cấp bản chính giấy nghỉ việc hưởng BHXH hoặc bản chính biên bản giám định y khoa nếu điều trị ngoại trú.
- Trường hợp người mẹ mang thai hộ: Bổ sung bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và văn bản xác nhận thời điểm bàn giao con.
Trường hợp người mẹ nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi
- Nhận nuôi con: bản sao giấy tờ chứng nhận việc nhận con nuôi.
Trường hợp lao động nam có vợ sinh con
Lao động nam đóng BHXH và có vợ sinh con thì sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản dành cho nam giới. Các hồ sơ gồm:
- Nếu vợ sinh thường: Bản sao giấy khai sinh, giấy chứng sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
- Nếu vợ sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi: Ngoài giấy tờ trên, bổ sung thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phẫu thuật hoặc con chưa đủ 32 tuần tuổi.
- Nếu con chết sau khi sinh, chưa có giấy chứng sinh thì cần trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy ra viện của mẹ.
Ngoài ra, nếu đủ điều kiện, lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần, hồ sơ gồm:
- Nếu vợ sinh thường: Bản sao giấy khai sinh, giấy chứng sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
- Nếu con chết sau khi sinh, chưa có giấy chứng sinh thì cần trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy ra viện của mẹ để xác nhận.
- Hồ sơ của người sử dụng lao động
Đơn vị sử dụng lao động cần chuẩn bị Danh sách đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Mẫu 01B-HSB.
3. Thủ tục hưởng chế độ thai sản năm 2023
Các bước làm thủ tục hưởng chế độ thai sản năm 2023 sẽ bao gồm các bước dưới đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hưởng chế độ thai sản, cả người lao động và đơn vị lao động cần phải nộp hồ sơ để giải quyết chế độ.
- Người lao động nộp hồ sơ: Trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, người lao động cần nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ.
- Sau khi tập hợp đầy đủ hồ sơ từ phía người lao động, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải lập danh sách 01B-HSB nộp hồ sơ online tại Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức IVAN trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
- Đồng thời đơn vị sử dụng lao động gửi hồ sơ giấy về cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Cơ quan BHXH giải quyết và chi trả chế độ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ xét duyệt và thực hiện chi trả trợ cấp thai sản trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Lưu ý:
- Doanh nghiệp cần báo giảm lao động trước khi thực hiện thủ tục hưởng thai sản
- Doanh nghiệp phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan bảo hiểm (Không còn nợ tiền BHXH).
Người lao động nhận tiền trợ cấp thai sản thông qua các hình thức sau đây:
- Nhận thông qua tài khoản cá nhân;
- Nhận thông qua đơn vị làm việc;
- Nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH trong trường hợp chưa nhận tiền thai sản tại đơn vị mà đơn vị đã chuyển lại kinh phí cho cơ quan BHXH.
4. Mức hưởng chế độ thai sản
Chi tiết mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 39 Luật BHXH năm 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu căn cứ vào quy định này có thể xác định cách tính chế độ thai sản 2023 như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản = TB6T x 100% x N
Trong đó:
TB6T: Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
N: Số tháng nghỉ việc do sinh con hoặc nuôi con nuôi.
Mặc khác, đối với từng trường hợp nghỉ thai sản cụ thể mà sẽ có những cách tính khác nhau. Ví dụ như:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của chị Thảo là 10 triệu đồng/tháng; chị Thảo sinh con vào ngày 13/2/2023 và được xét hưởng thời gian nghỉ sinh con là 06 tháng. Như vậy cách tính tiền thai sản của chị Thảo như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản của chị Thảo = 10.000.000 x 6 = 60.000.000 VNĐ
Lưu ý:
- Mức lương tính trợ cấp thai sản là mức lương cơ sở tính cho một lần khi sinh con.
- Trợ cấp một lần sinh con hoặc nuôi con được xác định theo Điều 38 Luật BHXH theo đó “lao động nữ sinh con được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có bố tham gia BHXH thì bố được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
- Nếu lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi trong thời gian 30 ngày đầu đi làm việc thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày. Lao động nữ được hưởng trợ cấp tiền dưỡng sức sau sinh mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở. (Căn cứ Điều 41 Luật BHXH năm 2014)
5. Thời gian giải quyết chế độ thai sản
Quy định về thời gian giải quyết chế độ thai sản được nêu tại Điều 102 Luật BHXH năm 2014, căn cứ vào quy định này có thể xác định thời gian giải quyết chế độ thai sản như sau:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc, người lao động phải có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho đơn vị sử dụng lao động.
- Đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 10 ngày làm làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ từ người lao động.
Thời gian giải quyết chế độ thai sản của cơ quan Bảo hiểm XH:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ từ đơn vị sử dụng lao động cơ quan Bảo hiểm XH có trách nhiệm giải quyết và chi trả cho người lao động.
- Trong trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết hồ sơ hưởng chế độ thai sản của người lao động thì phải có văn bản trả lời kèm theo lý do.
6. Quy định hưởng bảo hiểm thai sản
Nghỉ trước sinh 2 tháng có được hưởng thai sản không?
Luật sư trả lời:
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014 thì “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng”
- Do đó trường hợp nghỉ trước sinh 2 tháng vẫn được hưởng thai sản.
Nghỉ việc trước khi sinh có được hưởng thai sản không?
Luật sư trả lời:
- Nghỉ việc trước sinh được hưởng thai sản.
- Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014
Đóng bảo hiểm mấy tháng thì được hưởng thai sản?
Luật sư trả lời:
- Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
- Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đóng bhxh tự nguyện có được hưởng thai sản không?
Luật sư trả lời:
- Đóng bhxh tự nguyện không được hưởng thai sản
- Vì, BHXH tự nguyện hiện nay chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản.
Nếu không có thời gian tự thực hiện, hãy liên hệ với chúng em qua thông tin bên dưới hoặc tham khảo bài viết này: Dịch vụ đăng ký hưởng chế độ thai sản
- Luật sư tư vấn các thắc mắc liên quan đến thủ tục đăng ký hưởng thai sản theo chế độ BHXH.
- Chuyên viên sẽ hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, nộp và bàn giao kết quả tận nơi (nếu có).
- Thời gian hoàn tất hồ sơ và nộp: 4-8h làm việc. (kể từ khi nhận được đủ thông tin).
- Vui lòng liên hệ Tổng đài: 02838361963 Hoặc hotline: 0902841886.