Chia sẻ
4 loại thuế cơ bản Doanh nghiệp phải nộp

Cũng như các nước khác trên thế giới, doanh nghiệp kinh doanh tại Việt nam có khá nhiều các loại thuế cần phải nộp. Tuỳ vào ngành nghề, quy mô,… doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ với các loại thuế khác nhau.

Tuy nhiên có 4 loại thuế, lệ phí cơ bản mà bất cứ Doanh nghiệp nào cũng phải nộp gồm:

  • Lệ phí môn bài;
  • Thuế giá trị gia tăng;
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Thuế thu nhập cá nhân.

1. Lệ phí môn bài:

Lệ phí môn bài là khoản tiền doanh nghiệp phải nộp hàng năm, dựa trên số vốn điều lệ được ghi trên giấy chứng nhận chứng nhận thành lập doanh nghiệp. Trừ các trường hợp sau: 

– Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài nếu có thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức được miễn lệ phí môn bài. (Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP)

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. (Căn cứ Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017)

1.1 Mức thuế phải đóng

Vốn điều lệ/đầu tưLệ phí môn bài phải nộp
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp từ 10 tỷ đồng trở xuống02 triệu đồng/năm
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng03 triệu đồng/năm

1.2 Thời hạn nộp lệ phí môn bài

Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm (khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

2. Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

Là loại thuế gián thu, được tính trên giá trị gia tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ mà người tiêu dùng phải trả khi mua bán, sử dụng.

Để tính được số tiền thuế GTGT mỗi doanh nghiệp phải nộp thì phải dựa trên 02 phương pháp kê khai: Phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp:

  • Phương pháp khấu trừ: Áp dụng với các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ liên quan theo quy định, có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, tự nguyện đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
  • Phương pháp trực tiếp: Thường đối tượng doanh nghiệp áp dụng phương pháp này hoạt động ở các ngành mua bán, chế tác trang sức, vàng bạc, đá quý, cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT hàng năm thấp hơn 1 tỷ đồng hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật

2.1 Cách tính thuế giá trị gia tăng:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp khấu trừ

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trường hợp 2: Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x thuế suất GTGT

Biểu thuế suất thuế GTGT phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp khi kê khai bằng phương pháp này.

STTDanh mục ngành nghềTỷ lệ % tính thuế GTGT
1Phân phối, cung cấp hàng hóa1%
2Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu5%
3Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu3%
4Hoạt động kinh doanh khác2%

2.2 Thời hạn nộp thuế GTGT

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thuế đối với doanh nghiệp khai theo tháng: Hạn nộp là ngày thứ 20 của tháng sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thuế đối với doanh nghiệp khai theo quý: Hạn nộp là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào khoản thu nhập doanh nghiệp phải chịu thuế. Thuế TNDN bao gồm các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các loại thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Thuế TNDN được tính trên phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

3.1 Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó: 

  • Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định.
  • Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi Phí được trừ + Thu nhập khác.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể như sau:

  • Mức thuế suất 20% áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam. (Không phân biệt mức doanh thu).
  • Mức thuế suất từ 32% – 50% sẽ áp dụng cho những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam.
  • Mức thuế suất 50% sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm. Ví dụ: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, vonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí…

3.2 Thời hạn nộp thuế TNDN (Năm N)

– Ngày 31/01/N+1: doanh nghiệp phải tạm nộp của tối thiểu 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm N (Nghị định 91/2022/NĐ-CP).

Đến ngày 31/03/N+1: là thời hạn chậm nhất doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế và số thuế thu nhập doanh nghiệp còn lại theo quyết toán năm N. (Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).

4. Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN)

Là loại thuế doanh nghiệp nộp thay cho người lao động tại công ty, được tính theo từng tháng, kê khai theo tháng hay quý và quyết toán theo năm.

4.1 Cách tính thuế TNCN

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất.

4.1.1 Đối với cá nhân cư trú: (Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm)

Trường hợp 1: cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên:

– Thu nhập tính thuế (TNTT) = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ.

– Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công – Các khoản thu nhập được miễn thuế (đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công).

– Thuế suất áp dụng theo biểu lũy tiến toàn phần.

Trường hợp 2: Cá nhân ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên

– Thuế suất áp dụng: 10%.

4.1.2 Đối với cá nhân không cư trú: (Có mặt tại Việt Nam ít hơn 183 ngày trong năm)

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%.

4.2 Thời hạn nộp thuế TNCN

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thuế đối với doanh nghiệp khai theo tháng: Hạn nộp là ngày thứ 20 của tháng sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thuế đối với doanh nghiệp khai theo quý: Hạn nộp là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thời hạn khai quyết toán thuế TNCN: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai quyết toán thuế do doanh nghiệp thực hiện thay người lao động.

Trên đây là 4 loại thuế cơ bản doanh nghiệp phải nộp. Kế toán doanh nghiệp cần lưu nộp đúng quy định để tránh bị phạt vi phạm về thời hạn nộp và kê khai thuế.

– Đại lý thuế Anh Khoa

Đăng ký thành lập công ty là một thủ tục pháp lý vô cùng quan trọng, nếu anh chị không đủ có nhiều thời gian tìm hiểu, muốn doanh nghiệp hoạt động đúng luật, bài bản ngay từ đầu thì hãy để Luật sư của NTV giúp anh chị thực hiện công việc này với mức phí rất hợp lý. Trình tự công việc chúng tôi thực hiện được giới thiệu trong bài viết này: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp Trọn Gói

– Luật sư tư vấn các thắc mắc liên quan đến thủ tục thành lập công ty.

– Chuyên viên sẽ hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, nộp và bàn giao kết quả tận nơi (nếu có).

– Thời gian hoàn tất hồ sơ và nộp: 4-8h làm việc. (kể từ khi nhận được đủ thông tin).

– Vui lòng liên hệ Tổng đài: 02838361963 Hoặc hotline: 0902841886 để được Luật sư tư vấn miễn phí.

Write a comment:

You must be logged in to post a comment.

© 2021 Bản quyền thuộc về NTVGroup.vn

    

0902-841-886