Chia sẻ
TOP 8+ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Việt Nam được đánh giá là một thị trường phát triển đầy tiềm năng, thu hút dòng vốn FDI vô cùng mạnh mẽ nhờ vào tình hình chính trị ổn định cùng lợi thế về nguồn lao động lớn, giá nhân công rẻ,…Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư phải “ngậm ngùi rút quân về nước” bởi những khó khăn, rào cản về mặt pháp lý. Vậy khi nhà đầu tư nước ngoài cần phải lưu ý những gì trước khi đầu tư vào việt nam?

1. Nhà đầu tư

Các Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể là các cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài (công ty nước ngoài).

Hiện nay Việt Nam đã mở cửa hầu hết các ngành nghề đầu tư kinh doanh thông thường, và không hạn chế về tư cách nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt có các yêu cầu về tư cách đầu tư phải là cá nhân hay công ty.

Ví dụ:

– Thi công xây dựng (CPC 511 – CPC 518): Nhà đầu tư nước ngoài phải là pháp nhân của một Thành viên WTO.

– Dịch vụ thú y (CPC 932): Chỉ dành quyền tiếp cận thị trường cho thể nhân cung cấp dịch vụ chuyên môn với tư cách cá nhân, sau khi đã được phép của cơ quan quản lý về thú y.

Ngoài ra, các nhà đầu tư có quốc tịch thuộc các quốc gia đã là thành viên của WTO hoặc thành viên của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Việt Nam sẽ được tạo các điều kiện đầu tư thuận lợi hơn.

Hiện tại WTO có 164 thành viên: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore,…

Bên cạnh các chính sách cam kết tại WTO, Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các chính sách thu hút đầu tư như:

Hiệp định EVFTA (01/08/2020) giữa Việt Nam và EU (27 thành viên). Cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ rất cao. Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam.

Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ – AFAS (2014). Đối với ngành Y tế, Việt Nam xóa bỏ yêu cầu vốn pháp định để thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bệnh viện, nha khoa và khám bệnh tại Việt Nam. Trong ngành công nghệ thông tin, Việt Nam cho phép góp vốn nước ngoài (FDI) lên tới 70% trong liên doanh để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng.

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN – ACIA (2009). ACIA mở rộng những ưu đãi cho nhà đầu tư được quyền thường trú theo luật định của quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó pháp nhân theo quy định của ACIA còn mở rộng đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nếu mang quốc tịch của một quốc gia thành viên ASEAN, khi đầu tư sang quốc gia thành viên khác sẽ đương nhiên là nhà đầu tư ASEAN.

Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản – VJEPA (2008). Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa Nhật Bản theo lộ trình như sau:

+ Từ 2018, xóa bỏ thuế quan đối với 41,78% số dòng thuế trong Biểu thuế.

+ Đến năm 2026 (năm cuối của lộ trình cắt giảm thuế) xá bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế trong Biểu thuế.

2. Hình thức đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể lựa chọn các hình thức đầu tư:

– Đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 2 hình thức: Công ty 100% vốn nước ngoài, Công ty liên doanh.

– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

– Thực hiện dự án đầu tư.

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

 3. Ưu đãi đầu tư

Chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay được áp dụng dựa theo quy mô, địa bàn, ngành nghề kinh doanh của nhà đầu tư, ví dụ:

– Thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% và được áp dụng trong thời hạn 15 năm khi thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao,…

–  Miễn 07 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; hay miễn 11 năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định,…

Ngoài ra, các nhà đầu tư thuộc các quốc gia là thành viên trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương với Việt Nam sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư tương ứng.

 4. Vốn đầu tư để thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam

Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác do chủ đầu tư góp vào để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Pháp luật hiện hành không quy định về mức vốn tối thiểu để thành lập một công ty, ngoại trừ một số lĩnh vực đầu tư hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như:

– Lữ hành quốc tế: 250.000.000 đồng

– Hoạt động phòng khám chuyên khoa: 200.000 USD

– Hoạt động phòng khám đa khoa: 2.000.000 USD

…..

Nhà đầu tư cần có văn bản chứng minh khả năng tài chính từ mức vốn đầu tư trở lên (Theo sao kê số dư tài khoản ngân hàng, văn bản bảo lãnh của ngân hàng/ tổ chức tài chính,…). Do đó đối với các ngành nghề thương mại, dịch vụ thông thường, nhà đầu tư đăng ký mức vốn đầu tư phù hợp theo nhu cầu kinh doanh của công ty và khả năng chứng minh tài chính của mình.

5. Lĩnh vực đầu tư ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư cần tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết, hiệp định quốc tế: cam kết WTO, Hiệp định thương mại tự do (FTAs),…

Theo đó nhà đầu tư có thể đăng ký các ngành nghề không hạn chế tiếp cận thị trường và đáp ứng các điều kiện khác theo pháp luật Việt Nam như các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh: Lữ hành, việc làm, phòng khám,…

Nhà đầu tư không được kinh doanh các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường, hạn chế quốc gia tương ứng.

Đối với các ngành nghề chưa được nêu tại các cam kết, hiệp định sẽ thực hiện thủ tục hỏi ý kiến các Bộ liên quan.

6. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác.

Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam (có thể là người nước ngoài).

  • Trường hợp người đại diện theo pháp luật là một trong các thành viên góp vốn của Công ty, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ sở hữu Công ty thì sẽ không yêu cầu phải cấp giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam.
  • Các trường hợp khác, phải xin Giấy phép lao động và xin cấp thẻ tạm trú để được phép tạm trú lâu dài tại Việt Nam.

Lưu ý: công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật.

7. Điều kiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam

Người nước ngoài có thể sinh sống làm việc dài hạn ở Việt Nam khi được cấp thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.

a. Điều kiện người nước ngoài được cấp thẻ thường trú

  • Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.
  • Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Người nước ngoài quy định trên được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

b. Điều kiện người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú

Người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú khi nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu: LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ 1, LĐ 2, TT. Và khi thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.

Thời hạn thị thực:

Thị thực (ký hiệu)

Thời hạn

NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT

không quá 12 tháng

LĐ1, LĐ2

không quá 02 năm

LS, ĐT1, ĐT2

không quá 05 năm

c. Thời hạn thẻ tạm trú

Để sinh sống, làm việc ổn định, lâu dài tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài nên thực hiện thủ tục xin cấp thẻ tạm trú.

Thời hạn thẻ tạm trú được cấp có giá trị ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày. Và khi thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.

Thời hạn thẻ tạm trú:

Thẻ tạm trú (ký hiệu)

Thời hạn

ĐT1

không quá 10 năm

NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH

không quá 05 năm

NN1, NN2, ĐT3, TT

không quá 03 năm

LĐ1, LĐ2 và PV1

không quá 02 năm

Lưu ý: về vốn đầu tư khi xin thẻ tạm trú

  • Nhà đầu tư có vốn đầu tư dưới 03 tỷ đồng: Sẽ không thể xin cấp thẻ tạm trú, chỉ được cấp thị thực có thời hạn tối đa là 12 tháng. Và nếu muốn cấp thẻ tạm trú theo hình thức đầu tư thì buộc phải nâng cấp vốn đầu tư.
  • Nhà đầu tư có vốn đầu tư từ 03 tỷ đồng trở lên. Sẽ được miễn giấy phép lao động khi xin thẻ tạm trú.

8. Điều kiện chuyển lợi nhuận về nước

a. Điều kiện để chuyển lợi nhuận về nước:

  • Thực hiện sau khi hoàn thành năm tài chính
  • Đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
  • Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

b. Hình thức chuyển lợi nhuận:

Đầu tư trực tiếp:

  • Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài bằng tiền sẽ thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
  • Nếu doanh nghiệp bị đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (do giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp,…) nhà đầu tư sẽ sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hay bằng đồng Việt Nam đã mở tại ngân hàng được phép để chuyển nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài.

Đầu tư gián tiếp: nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng đồng Việt Nam trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước ngoài.

c. Thủ tục chuyển lợi nhuận

Để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhà đầu tư có 2 cách: Trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp mà nhà đầu tư tham gia đầu tư thực hiện.

Trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất là 07 ngày làm việc. Phải gửi thông báo việc chuyển lợi nhuận cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp mà nhà đầu tư tham gia đầu tư. (Thông báo theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 186/2010/TT-NHNN).

Tham khảo thêm: Dịch vụ thay đổi giấy phép đầu tư nhanh / Quy trình thực hiện thay đổi giấy chứng nhận đầu tư – NTV

© 2021 Bản quyền thuộc về NTVGroup.vn

    

0902-841-886