Ngành nghề kinh doanh là một trong những nội dung bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Do đó, rất nhiều khách hàng thắc mắc ngành nghề kinh doanh của mình có được phép hoạt động tại nơi đặt trụ sở không? Quy định về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp thế nào? Những phân tích của các luật sư tại Luật NTV dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được câu hỏi!
Nội dung chính
1. Những lưu ý về ngành, nghề kinh doanh
Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm.
Doanh nghiệp phải đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Và phải duy trì điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh.
Các hành vi bị nghiêm cấm: Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, theo quy định thì tất cả doanh nghiệp khi đăng ký thành lập mới hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh phải đăng ký theo mã ngành cấp 4 (là ngành có mã 4 số) thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
2. Những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
Theo quy định Luật đầu tư 2020, có 8 ngành nghề bị cấm kinh doanh bao gồm: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã được quy định tại Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ.
3. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm 227 ngành nghề. Theo đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện nhất định. Ví dụ: nếu muốn sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, bạn phải đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công và đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật.
4. Những ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định
Vốn pháp định được hiểu là số vốn tối thiểu phải có khi thành lập doanh nghiệp. Những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thường có quy mô lớn và tính rủi ro cao. Số vốn pháp định được Chính phủ quy định cụ thể đối với từng ngành nghề.
Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng và ký quỹ 1.000.000.000 đồng (Theo Điều 6 + Điều 10, Nghị định 38/2020/NĐ-CP).
5. Những ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề
Theo đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh những ngành nghề này yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề của người đại diện pháp luật/ chủ sở hữu/ người trực tiếp quản lý/ cá nhân làm việc tại doanh nghiệp. Ví dụ: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thì giám đốc và cá nhân làm việc tại công ty phải có chứng chỉ hành nghề kế toán.
6. Mức xử phạt khi kinh doanh không đúng ngành nghề
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực.