Bán lẻ thuốc lá là hoạt động kinh doanh khá quen thuộc với mọi người. Có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm thuốc lá được bán lẻ tại các quán nước, tiệm tạp hóa hay các siêu thị lớn, v.v… Tuy nhiên, việc kinh doanh thuốc lá không chỉ dễ dàng là bày bán tại các đại lý, các điểm bán lẻ mà để kinh doanh mặt hàng này phải cần được sự cấp phép của cơ quan quản lý. Vậy để kinh doanh HỢP PHÁP, thủ tục xin giấy phép bán lẻ thuốc lá gồm những gì?
Nội dung chính
Quy trình, thủ tục xin giấy phép bán lẻ thuốc lá
Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc ủy quyền đến Cơ quan có thẩm quyền cấp phép
Hồ sơ nộp sẽ gồm các giấy tờ cần thiết sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (Bản sao);
- Văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh (bản sao).
Bước 2: Xử lý hồ sơ đề nghị
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ, thẩm định thực tế và cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá nếu cơ sở đáp ứng được điều kiện theo quy định;
Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi văn bản từ chối cấp phép có nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận kết quả hồ sơ: Chấp thuận và cấp giấy phép hoặc văn bản từ chối cấp phép.
- Nơi nộp hồ sơ: Phòng Công thương, Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp quận/huyện nơi cơ sở dự kiến đăng ký kinh doanh.
Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá
Phí, lệ phí phải nộp xin giấy phép bán lẻ thuốc lá
Hoạt động kinh doanh thuốc lá chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, xuất phát từ việc mặt hàng này không được khuyến khích tiêu dùng. Do đó, Chính phủ đã quy định tùy từng loại hình kinh doanh, khu vực sẽ áp dụng các mức thu phí (gồm phí thẩm định + phí cấp giấy phép) khác nhau. Cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 168/2016/TT-BTC quy định:
Điều 4. Mức thu phí, lệ phí
- Tại khu vực thành phố trực thuộc trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh:
- a) Mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại là 1.200.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định.
- b) Mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại đối với chủ thể kinh doanh là tổ chức, doanh nghiệp là 1.200.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định.
- c) Mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại đối với chủ thể kinh doanh là hộ kinh doanh, cá nhân là 400.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định.
- d) Mức thu lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá là 200.000 đồng/giấy/lần cấp.
- Tại các khu vực khác: Mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức thu tương ứng quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này.
Lưu ý:
Nếu bạn là doanh nghiệp xin giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh trở lên thì sẽ phải nộp phí thẩm định là 1.200.000 đồng và phí cấp giấy phép là 200.000 đồng.
Nếu bạn là cá nhân hoặc hộ kinh doanh xin giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh trở lên thì sẽ phải nộp phí thẩm định là 400.000 đồng và phí cấp giấy phép là 200.000 đồng.
Đối với trường hợp xin giấy phép bán lẻ thuốc lá cho cơ sở kinh doanh tại khu vực huyện thì mức phí thẩm định là một nửa so với mức phí nêu trên.
Cá nhân, tổ chức bán lẻ thuốc lá cần tuân thủ quy định gì?
Các sản phẩm thuốc lá như: thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác hay biến thể khác như thuốc lá điện tử là loại hàng hóa hạn chế kinh doanh. Do đó, khi kinh doanh loại hàng hóa này mà không có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ bị xử phạt vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá căn cứ theo Khoản 3, Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh …
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;
Lưu ý:
Để có thể bắt đầu kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá, chủ cơ sở bắt buộc phải xin cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu không sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Đồng thời, hiện tại Nhà nước cũng kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động bán lẻ thuốc lá của các cơ sở kinh doanh để quản lý chất lượng, nguồn xuất xứ của mặt hàng này ra thị trường. Do vậy, chủ cơ sở bán lẻ hay các thương nhân bán lẻ cần lưu ý tránh nhập lậu, bán hàng giả hay kinh doanh tràn lan sản phẩm thuốc lá ra thị trường nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý vi phạm rất nặng.
Cũng cần lưu ý thêm, người chịu trách nhiệm tại điểm bán lẻ/cơ sở bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Không được trưng bày quá 01 bao, 01 tút hoặc 01 hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Không được bán thuốc lá tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Luật cũng quy định không được trưng bày, bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT… trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Tham khảo thêm: Quy trình – Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới nhất 2022 / Những lưu ý khi mở phòng khám tư nhân